STA-GATHER

Nhóm “Out of the Box” gồm 4 thành viên hiện đều là sinh viên năm 3, theo học các ngành Kiến trúc cảnh quan và Quy hoạch vùng và đô thị tại trường Đại học Kiến trúc TPHCM. Cái tên “Out of the Box” đến từ ý nghĩ mang đến những tư duy khác biệt. Nhưng trước khi có thể có những lối tư duy khác biệt, nhóm nhất quán rằng mình cần phải hiểu thật rõ lối tư duy thông thường, để có thể có những sáng tạo dựa trên các nền tảng căn bản. Hiểu rõ “the Box” trước khi có thể “Out of”. Từ đó định hướng cho các lối tư duy sáng tạo của nhóm đó là đưa ra ý tưởng để làm mọi thứ trở nên hiệu quả hơn.

Tích hợp không gian đỗ xe với các không gian chức năng hấp dẫn nhằm tạo ra những không gian đa chức năng, các không gian này vừa phục vụ cho các nhu cầu của sinh viên và giảng viên như không giao tụ họp, giao tiếp, không gian học tập nhóm và cá nhân, không gian đọc sách, không gian trưng bày triển lãm, vườn ăn được… đồng thời tạo sự hấp dẫn, thu hút, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thông minh và thân thiện với môi trường. Các trạm đỗ xe sẽ được kết nối với nhau tạo thành một hệ thống với sự phân bố hợp lý trong các khu chức năng chính của khuôn viên trường. Tùy thuộc vào đặc tính về hình thái và chức năng của công trình trong từng khu vực cụ thể, các trạm đỗ xe sẽ thay đổi về hình thức để thể hiện được các đặc điểm nhận dạng của các khu chức năng này. Mục tiêu kết quả đầu ra là hệ thống trạm đỗ xe đa năng được thiết kế theo các module nhằm tạo sự linh hoạt trong việc thay đổi hình thức.

Tầm nhìn của dự án

Dự án được đặt trong bối cảnh không gian đô thị phát triển tại khu vực thị xã Bến Cát, hướng đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cụ thể là bối cảnh đô thị đại học hiện đại của trường Đại học Việt Đức. Để phù hợp với bối cảnh đó phương án phải là chiến lược mang tính đổi mới: không gian mở công công là những thực thế sống và phát triển theo nhịp sống của đô thị. Và với tinh thần của một đô thị sáng tạo phương án là chuỗi tổ hợp hệ thống sáng tạo, không gian sáng tạo và tiện ích sáng tạo. Hướng đến chính người sử dụng là người góp phần kiến tạo nên không gian của riêng mình. Không gian mở công cộng phản ánh nhịp sống của người sử dụng.

Đặt vấn đề

Mang vai trò là trung tâm trong hệ thống đổi mới sáng tạo của thành phố và quốc gia, trường Đại học Việt Đức không chỉ cung cấp môi trường lý tưởng cho việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu mà còn cung cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu ngoài giờ lên lớp của sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ nhân viên.

Các tiện ích sẽ cần được đảm bảo, đặc biệt là tiện ích về phương tiện và hạ tầng giao thông, cụ thể là trạm đỗ xe đạp. Tuy nhiên, trên thế giới, các trạm đỗ xe không đơn thuần là trạm đỗ xe mà còn được tích hợp nhiều tiện ích công cộng với hình thức thu hút, hấp dẫn, thú vị. Trên thực tế các giải pháp cho các trạm đỗ xe điện của trường còn đang đơn giản, các trạm đỗ là nơi tập kết phương tiện đơn thuần và chưa thu hút mọi người đến sử dụng phương tiện.

Trong bối cảnh đó, phương án được đưa ra phải là giải pháp cho các vấn đề cụ thể sau:

  1. Cung cấp không gian đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe đạp.
  2. Cung cấp không gian đáp ứng nhu cầu ngoài giờ học.
  3. Đảm bảo về sự thích dụng: hình thái và cơ cấu các không gian trong từng mô hình trạm đỗ xe sẽ được cân nhắc thiết kế để đáp ứng vừa đủ và phù hợp với từng khu vực, tránh phí phạm các nguồn lực.
  4. Có tính thẩm mỹ cao, ngôn ngữ thiết kế phù hợp.
  5. Đảm bảo tính “nơi chốn” của các trạm đỗ xe: trạm đỗ xe được thiết kế hướng tới là nơi thu hút mọi người muốn đến và ở lại, vì vậy các trạm đều có các đặc điểm riêng về cơ cấu không gian chức năng và hình thức mái và cột chống, mang lại sự khác biệt phù hợp với tính chất của từng vùng chức năng, dễ nhớ, dễ nhận diện.
  6. Vị trí bố trí phù hợp: bố trí ở những nơi dễ dàng tiếp cận và sử dụng, khoảng cách các trạm hợp lý, tránh xảy ra tình trạng chênh lệch mức độ sử dụng giữa các trạm.

Phương pháp luận tổng thể

Một phần của những hoạt động của con người (Activities) trong các không gian mở công cộng (Public space) sẽ bị chi phối bởi bối cảnh phân vùng chức năng (Zone) của các công trình kiến trúc, nó đồng nghĩa với việc ở những khu vực (Zone) có phân vùng chức năng đặc trưng khác nhau thì sẽ phát sinh những hoạt động (Activities) khác nhau. Từ đó, nơi chốn (Place) sẽ được sinh ra và mang những đặc điểm dành riêng để phục vụ những hoạt động tương ứng.  

Các lý thuyết tham khảo:

  • The Image of the City – Kevin Lynch 
  • How to Turn a Place Around – Kathy Madden
  • The Social Life of Small Urban Spaces – William H. Whyte
  • Cities for People – Jan Gehl

Chiến lược thiết kế

Phương án sẽ được chia thành 6 mô hình được đặt ở 6 vùng chức năng khác nhau (Sơ đồ phân vùng chức năng ở Phụ lục 1). Tùy theo phân khu chức năng của mỗi vùng mà các mô hình sẽ có hình thức và cấu trúc thay đổi để phù hợp với các đặc trưng của từng vùng.

Thiết kế chiến lược theo từng phạm vị nghiên cứu từ tổng thể đến chi tiết. Từng cấp độ nghiên cứu sẽ ứng với các phạm vi quy mô hiện trạng khác nhau. Mục tiêu và phương án thiết kế cũng sẽ được đưa ra theo từng cấp nghiên cứu.

Chiến lược thực hiện

  • Bước 1: Thiết kế dự án mẫu – dự án thí điểm (Pilot Project)
  • Bước 2: Thiết kế hệ thống chính thức (System) 

Mục tiêu

Out of the Box

Hệ thống các trạm đỗ xe đa năng